Dụng nhân như dụng mộc
Không ít nhà quản lý nhanh chóng sa thải các nhân viên yếu kém, nhưng một nhà lãnh đạo giỏi sẽ xác định các vấn đề và thử thách rất lâu trước khi cân nhắc cho họ thôi việc. “Dụng nhân như dụng mộc”, bạn hoàn toàn có thể tạo động lực để biến những nhân viên yếu kém thành nhân viên lý tưởng nhờ 6 bí quyết sau.
1. Gặp riêng
Đừng nêu đích danh nhân viên yếu kém trong cuộc họp nhân viên hoặc thảo luận nhóm, kể cả khi hành vi đó diễn ra ngay tại đó. Nếu bạn khiển trách ai đó trước công chúng, nhất là giữa các đồng nghiệp khác, họ sẽ có phản ứng chống đối. Thay vào đó, hãy dành thời gian gặp riêng người đó để nêu rõ vấn đề và thảo luận về giải pháp.
2. Xác định vấn đề
Có một số vấn đề có thể giải quyết một cách đơn giản. Nếu một nhân viên thường xuyên đi làm muộn 15-30 phút, bạn sẽ thấy khá dễ dàng giúp nhân viên đó hiểu tại sao việc chậm trễ đó là không thể chấp nhận được.
Các vấn đề khác liên quan tới việc thực hiện công việc và sự chuyên nghiệp có thể khó xác định hơn. Có thể nhân viên thực hiện tốt công việc của họ nhưng lại bị đồng nghiệp khác coi là thô lỗ hoặc quá hung hăng. Một cá nhân khác có thể tuân theo quy định về trang phục của công ty nhưng lại thường xuyên xuất hiện với kiểu đầu bù xù trong các cuộc gặp gỡ khách hàng. Hãy xác định rõ ràng những điều cần nói và cách nói trước khi nói chuyện với nhân viên.
3. Đảm bảo rằng vấn đề đáng phải trao đổi
Một số nhà quản lý và lãnh đạo thành công nói với đội ngũ những điều họ cần làm, chứ không phải cách làm như thế nào. Mặc dù cách làm hoặc phong cách làm việc của ai đó có thể rất khác so với bạn, hãy tách biệt những khác biệt về tính cách với các vấn đề công việc.
Hãy cho các nhân viên một cơ hội tỏa sáng theo cách của họ. Bạn có thể không đánh giá cao một chiếc bàn làm việc không ngăn nắp nhưng việc đó không đáng phải giải quyết trừ khi nó ảnh hưởng tới việc thực hiện công việc của nhân viên đó hoặc hình ảnh của công ty.
4. Hãy rõ ràng và thẳng thắn
Đừng trì hoãn hoặc lảng tránh cuộc trò chuyện cần phải thực hiện. Một cuộc tranh luận có thể không thoải mái, nhưng quan trọng là nêu ra những kỳ vọng đối nhân viên và theo dõi các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện công việc.
Nếu bạn không giải quyết vấn đề, nó có thể gây nhức nhối và lan ra các thành viên khác trong đội ngũ. Khi bạn giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn, bạn sẽ cho các thành viên cơ hội để cải thiện và cho những người khác thấy rằng họ cần nghiêm túc với những kỳ vọng của bạn.
5. Tránh công kích mang tính cá nhân
Khi bạn gặp gỡ một nhân viên để thảo luận về vấn đề thực hiện công việc, hãy tránh những cuộc tranh cãi tiềm tàng và chỉ nhắm tới hành vi của người đó thôi. Hãy xử lý xung đột một cách khéo léo và tránh những hành vi dễ bị coi là công kích cá nhân.
Hãy lựa chọn lời nói của bạn một cách cẩn thận, tránh dùng những từ ngữ phỉ báng và mất bình tĩnh. Nếu người đang nói chuyện với bạn cao giọng hoặc trở nên giận dữ, bạn cũng đừng làm như họ. Ngược lại, bạn nên giữ bình tĩnh, giữ giọng nói ở mức bình thường. Hãy lắng nghe và cùng nhân viên đó tìm ra một sự thỏa hiệp.
6. Vạch ra một kế hoạch và theo dõi
Để phát triển cùng với công ty, các nhân viên phải sẵn lòng chấp nhận hướng dẫn và ý kiến của người quản lý. Nếu ai đó từ chối thay đổi hành vi và cách thực hiện của họ, bạn phải có hành động nghiêm khắc.
Nếu nhân viên đó cởi mở với việc thay đổi, hãy tạo ra một kế hoạch hành động rõ ràng. Hãy quyết định cùng lúc 2-3 mục tiêu và vạch ra một kế hoạch cải thiện có thể đánh giá được. Hãy thật thực tế và cho nhân viên đó đủ thời gian để hoàn tất những thay đổi.
Tiếp theo, hãy theo dõi tiến bộ của nhân viên bằng cách gặp gỡ thường xuyên. Nếu có những vấn đề nhỏ xảy ra hoặc nhân viên gặp trở ngại, hãy làm việc với họ để vượt qua khó khăn. Những tiến bộ nhỏ theo thời gian sẽ biến một nhân viên yếu kém thành một nhân viên lý tưởng.
Theo HocLamGiau.vn
Tags: Tin tức Online